Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Hội thảo công bố thông tin dự báo mùa và tình hình thời tiết dịp Tết Nguyên đán 2020

Hội thảo do Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức diễn ra chiều 16/1, tại Hà Nội. Tại Hội thảo, các chuyên gia Khí tượng thủy văn nhận định, năm 2020, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Nửa đầu năm, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt trên cả nước; từ tháng 6 trở đi, mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn TBNN.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn phát biểu tại Hội thảo

Năm 2019 nắng nóng gay gắt và kéo dài với nhiều kỷ lục mới được thiết lập

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) cho biết, năm 2019 đã qua đi, bão và áp thấp thiệt đới (ATNĐ) xuất hiện trên Biển Đông ít hơn so với TBNN, tuy nhiên số cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta lại tương đương TBNN. Các loại thiên tai KTTV khác như: rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn không quá nhiều.

Nắng nóng gay gắt và kéo dài với nhiều kỷ lục mới được thiết lập. Đã xuất hiện nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay quan trắc được ở Việt Nam và được ghi nhận trên báo cáo quốc tế cũng như trong nước. Các đợt mưa lớn xuất hiện ít hơn rất nhiều so với năm 2018 và các năm trước đây; tuy nhiên nhiều điểm có lượng mưa lớn kỷ lục gây lũ quét, ngập lụt ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Quốc (Kiên Giang) và nhiều nơi khác.

Ngược lại với diễn biến thiên tai ít do mưa thì tình hình thiếu nước, khô hạn, xâm nhập mặn lại tăng cao trên phạm vi cả nước. Hiện nay, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đang tập trung nguồn lực, giải pháp để ứng phó.

Theo ông Hoàng Đức Cường, ngay từ giữa năm 2019, trong những ngày còn đang ứng phó với các cơn bão số 3, số 4 đổ bộ vào Trung Bộ thì các cơ quan truyền thông đại chúng đã đăng tải thông tin cảnh báo sớm về nguy cơ thiếu nước, khô hạn, xâm nhập mặn vào cuối năm 2019, đầu năm 2020.

Cảnh báo nguy cơ hạn hán lan rộng trong mùa khô năm 2020

Nhận định xu thế thời tiết, khí hậu năm 2020, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, dự báo trong những tháng nửa đầu năm 2020, ENSO tiếp tục ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020.

Nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc có xu hướng cao hơn TBNN. Nửa đầu năm lượng mưa có xu hướng thiếu hụt trên phạm vi toàn quốc. Từ tháng 6 trở đi, mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn TBNN, đặc biệt ở khu vực miền Trung trong các tháng cuối năm 2020.

Rét đậm sẽ tập trung chủ yếu trong nửa cuối tháng 1 và tháng 2/2020 nhưng không kéo dài.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng từ xấp xỉ đến ít hơn so với TBNN, khả năng hoạt động nhiều trong các tháng cuối năm 2020 và tập trung ở khu vực Trung Bộ và phía Nam.

Cần tiếp tục đề phòng gió mạnh trên biển do tác động của không khí lạnh trong những tháng đầu năm 2020 và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá vào thời kỳ chuyển mùa tháng 3, 4, và tháng 5 trên phạm vi toàn quốc.

Đặc biệt, từ tháng 01-7/2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với TBNN, đặc biệt các tháng đầu năm 2020. Trong mùa khô 2019-2020, dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên ở mức thiếu hụt nhiều so với TBNN, nguy cơ xảy ra khô hạn thiếu ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi.

“Khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; thậm chí một số tỉnh vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn... cũng cần cảnh giác với hạn hán. Những năm trước chỉ xảy ra hạn hán cục bộ, nhưng năm nay phải cảnh giác với nguy cơ hạn hán lan rộng hơn”, ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội KTTV Việt Nam cảnh báo.

Phân tích diễn biến tình hình xâm nhập mặn, chuyên gia KTTV cho biết, xâm nhập mặn cao nhất ở ĐBSCL tập trung vào tháng 1, 2/2020; riêng từ ngày 21-28/01/2020 (từ 27 tháng chạp đến mùng 4 Tết), các sông ở đồng bằng Nam Bộ chịu ảnh hưởng của đợt triều cường, kết hợp với lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về ĐBSCL ở mức thấp. Do đó xâm nhập mặn tại cửa sông Cửu Long gia tăng và khả năng ranh mặn 4g/l xâm nhập sâu từ 55-65km.

Từ tháng 6-8/2020, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ có khả năng xảy ra tại các tỉnh ven biển Trung Bộ và diễn ra tương đương mùa khô năm 2019 tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa.

Tết Nguyên đán năm Canh Tý, miền Bắc sẽ lạnh hơn

Tại Hội thảo, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, dịp Tết Nguyên đán năm Canh Tý (2020), tại các tỉnh, thành phố miền Bắc sẽ lạnh hơn dịp Tết năm Kỷ Hợi (2019).

Cụ thể, khoảng ngày 29 và 30 tháng Chạp năm Kỷ Hợi, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc sẽ đón một đợt gió mùa Đông Bắc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ ngày 30 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến mùng 3 Tết Canh Tý, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ sẽ chuyển rét kèm mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Riêng các tỉnh Điện Biên, Lai Châu ít bị ảnh hưởng của không khí lạnh nên đêm và sáng sớm trời lạnh, trưa chiều trời nắng, nhiệt độ ấm hơn…

Còn đối với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Nam phổ biến không mưa, ngày nắng. Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung có thể xảy ra mưa và rét…

Về tình hình thời tiết trong ngày 17-1, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh nên các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa nhỏ rải rác và rét. Khu vực Hà Nội có lúc có mưa, mưa nhỏ và rét, nhiệt độ thấp nhất 15-17 độ C, cao nhất 17-19 độ C.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây