Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về địa chất và khoáng sản năm 2021

Sáng 11/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Bùi Vĩnh Kiên - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, trong năm 2021, Tổng cục sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản để thay thế Luật Khoáng sản; Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng dự thảo trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 02/NQ-TW; Báo cáo tổng kết Chiến lược khoáng sản và xây dựng chiến lược mới; lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh công tác xây dựng chính sách, pháp luật, trong năm 2021, Tổng cục tập trung thực hiện công tác quản lý về điều tra cơ bản về khoáng sản. Cụ thể, triển khai thực hiện 4 đề án Chính phủ giao, bao gồm: Đề án Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội; Đề án Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Đề án Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ, phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam; Đề án Bay đo từ - trọng lực tỷ lệ 1:250.000 biển và hải đảo Việt Nam.

Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên cấp Bộ; công tác cấp phép hoạt động khoáng sản, thanh tra, kiểm tra, kinh tế địa chất và khoáng sản…

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đóng góp ý kiến trong triển khai các nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế địa chất liên quan đến Nghị quyết về miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (dự kiến trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội vào Kỳ họp thứ tháng 4 - 5/2021); xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP về đấu giá quyền khai thác khoáng sản...; các giải pháp về xây dựng và triển khai kế hoạch, nguồn nhân lực, xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật và công tác phối hợp giữa Tổng cục với các đơn vị trong và ngoài Bộ, ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử, chuyển đổi số…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh tới một số nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục trong năm 2021 như tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản để thay thế Luật Khoáng sản; Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về Khoáng sản (thông lệ được tổ chức vào tháng 11/2021….

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, chân thực và mang tính chất xây dựng trong cuộc họp. Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành địa chất là ngành có truyền thống lâu đời, đóng góp nhiều cho Đảng, Nhà nước trong những quá trình phát triển. Trong thời gian tới, toàn Ngành cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, vừa phát huy truyền thống của các thế hệ lãnh đạo đi trước, xem xét đề ra những chiến lược mới để nâng cao vị thế cho cán bộ, người lao động ngành địa chất và bắt kịp xu thế phát triển hiện nay trong thời đại mới.

Với các ý kiến đóng góp về công tác xây dựng thể chế, hệ thống chính sách, pháp luật, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định ngành địa chất là ngành khoa học nghiên cứu cơ bản, phục vụ nhiều mục tiêu và có ảnh hưởng lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, những văn bản pháp luật được Tổng cục xây dựng trong thời gian tới, theo Bộ trưởng, cần phải đưa ra các giải pháp đa mục tiêu, vừa đảm bảo công tác nghiên cứu khoa học, vừa tránh được việc quá lạm dụng việc khai thác tài nguyên thiên nhiên để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công tác điều tra cơ bản cũng được Bộ trưởng đề nghị chú trọng, tập trung xây dựng, khai thác các cơ sở dữ liệu thông tin địa chất để phục vụ nghiên cứu khoa học chuyên sâu, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng đề nghị tập trung rà soát những dự án khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua, có những vướng mắc khó khăn thì trình lãnh đạo Bộ xin ý kiến giải quyết.

Về giải pháp trọng tâm, Bộ trưởng đề nghị cần quan tâm, kiện toàn tổ chức các đơn vị trong Ngành; có sự phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu, quản lý và cơ quan thực địa để tạo nên được sức mạnh tập thể to lớn, tận dụng được hết những nguồn lực của Ngành.

"Lãnh đạo Tổng cục cần thể hiện vai trò hơn nữa để đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu, quản lý và thực địa; công tác khoa học và công nghệ thông tin để kết nối các cơ sở dữ liệu; xây dựng quy trình xử lý thủ tục hành chính hòa chung trong mạng lưới thông tin của Bộ; tăng cường hơn nữa công tác hợp tác quốc tế; đa dạng hoá các hình thức tham vấn chuyên gia tư vấn, tổ chức nước ngoài, học hỏi kinh nghiệm tiên tiến của quốc tế để đáp ứng được nhu cầu cấp thiết hiện nay, tạo nên được sức mạnh tập thể to lớn, tận dụng được hết những nguồn lực của Ngành " - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Nguồn tin: www.monre.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây