Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


Hoàn thiện văn bản pháp luật, đưa quản lý khoáng sản vào nề nếp

Với quan điểm có hành lang pháp lý mạnh mẽ và toàn diện sẽ đưa công tác quản lý tài nguyên khoáng sản vào nền nếp, trật tự, năm 2017 công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đặt lên hàng đầu và do Tổng Cục trưởng trực tiếp chỉ đạo. Đến cuối năm, toàn bộ các văn bản thuộc kế hoạch đã hoàn thành, kể cả nhiệm vụ bổ sung.
Hoạt động khai thác khoáng sản dần được đưa vào trật tự. Ảnh minh họa

*Năm 2017 – xây dựng 12 văn bản pháp luật

Theo báo cáo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, năm 2017 Tổng cục được Bộ giao xây dựng 2 Quyết địnhtrình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đó là Quyết định Quy định phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; Quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư.

Ngoài ra, Tổng cục còn xây dựng 9 Thông tư để Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành. Các Thông tư này tập trung giải quyết những vấn đề vướng mắc, yêu cầu trong quản lý nhà nước về khoáng sản như: quy đổi giá tính tính thuế tài nguyên để xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; quy trình phương pháp xác định sản lượng khoáng sản khai thác… Đặc biệt các Thông tư về định mức kinh tế-kỹ thuật đối với các công việc trong điều tra cơ bản địa chất khoáng sản đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong công tác điều tra địa chất khoáng sản.

Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã tháo gỡ những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt các thông tư về định mức kinh tế kỹ thuật đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

Song song với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong năm 2017, Tổng cục thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản kết hợp thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra mà Tổng cục triển khai thực hiện.

*Chấm dứt “nợ” xử lý hồ sơ

Tính đến thời điểm tháng 12 năm 2017, Tổng cục đã tiếp nhận 57 hồ sơ hoạt động khoáng sản (17 thăm dò, 33 khai thác và 7 đóng cửa mỏ); đã hoàn thiện công tác thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ TN&MT cấp 65 Giấy phép, gồm 25 Giấy phép thăm dò khoáng sản, 40 Giấy phép khai thác khoáng sản và 1 Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.

Hiện tại, Tổng cục đang tiếp tục thẩm định 45 hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản, gồm 28 hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, 13 hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, 4 hồ sơ phê duyệt đề án đóng cửa mỏ. Trong đó, đã hoàn thành công tác thẩm định và đang trình Bộ xem xét cấp phép 10 hồ sơ gồm 4 hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và 6 hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản. Các hồ sơ này đều đang trong thời hạn giải quyết theo quy định.

Đánh giá về công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, lãnh đạo Tổng cục cho biết đã đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng; các hồ sơ được giải quyết đúng quy định của pháp luật về khoáng sản, không có tình trạng nợ đọng các hồ sơ đủ điều kiện cấp phép. Đối với các hồ sơ phải lấy ý kiến cơ quan liên quan, phải chỉnh sửa, bổ sung đều được thông báo cho doanh nghiệp theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch.

Đặc biệt, thời gian vừa qua Tổng cục đã chủ động đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản. Do vậy, đã giải quyết được nhiều hồ sơ tồn đọng từ những năm trước do vướng mắc về pháp lý, chấm dứt hoàn toàn hiện tượng hồ sơ quá thời hạn nhưng chưa được xử lý.

Nguồn tin: BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây