Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum

http://stnmt.kontum.gov.vn


5 năm thi hành Luật Khoáng sản: Minh bạch hơn cơ chế quản lý khai thác tài nguyên

Năm năm qua, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN&MT đã nỗ lực giúp Chính phủ xây dựng và hình thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản hoàn chỉnh, điều chỉnh hầu hết quy trình từ khâu lập chiến lược, quy hoạch khoáng sản đến bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cho tới điều tra cơ bản địa chất, hoạt động khoáng sản. Qua đó, làm minh bạch hơn từ khâu đánh giá trữ lượng cho tới cấp phép khai thác, kinh doanh thương mại tài nguyên khoáng sản.

Minh bạch trong cấp phép

Một trong những điểm nổi bật của hoạt động quản lý khoáng sản sau 5 năm thi hành Luật, đó là nhờ vào việc đẩy mạnh hoạt động điều tra cơ bản, phủ trùm bản đồ các tỷ lệ nhỏ hơn, sát hơn với trữ lượng và tọa độ mỏ trên phạm vi cả nước nên hoạt động cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản đã được định hướng theo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản của Bộ TN&MT đã được thực hiện trên cơ sở 14 quy hoạch thăm dò, khai thác cả nước cho 40 loại khoáng sản chủ yếu do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ; của UBND cấp tỉnh được thực hiện theo trên 100 quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT), than bùn và khoáng sản khác thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh; khi cấp phép khai thác khoáng sản đều dựa trên trữ lượng khoáng sản được Hội đồng trữ lượng khoáng sản quốc gia phê duyệt (đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT); được UBND cấp tỉnh phê duyệt (đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của địa phương); đều yêu cầu lập, trình phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của dự án khai thác; lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi kết thúc khai thác và giám sát quá trình thực hiện. Đặc biệt, khu vực khai thác khoáng sản không được ảnh hưởng đến vấn đề quốc phòng, an ninh; cảnh quan du lịch, di tích lịch sử, văn hóa...

Theo thống kê, đến hết năm 2016, cả nước có gần 3.000 tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đang thăm dò, khai thác khoáng sản theo 4.071 Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản do cơ quan Trung ương và các địa phương cấp phép. Trong đó, có 678 Giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT (107 Giấy phép thăm dò khoáng sản và 571 Giấy phép khai thác khoáng sản) còn hiệu lực trên địa bàn 60/63 tỉnh, thành phố cả nước. Tính từ ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực đến hết năm 2016, Bộ TN&MT đã cấp 149 Giấy phép thăm dò khoáng sản/161 Giấy phép khai thác khoáng sản (chủ yếu là than, đá vôi và đá sét làm xi măng, đá hoa làm ốp lát và bột carbonatcanxi, nước khoáng…); UBND cấp tỉnh đã cấp 1.577 Giấy phép thăm dò khoáng sản/2.348 Giấy phép khai thác khoáng sản.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng thu ngân sách

Để lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực hoạt động khai khoáng, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách và không làm thất thoát tài nguyên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trình Bộ TN&MT phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 5 khu vực mỏ. Tuy vậy, công tác đấu giá chưa thực hiện được do chưa đủ số lượng tổ chức tham gia đấu giá và quy định về vốn chủ sở hữu theo quy định bằng 50% giá trị của mỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, do vậy, không đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu nêu trên. Để khắc phục, ngày 29/11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, trong đó, đã điều chỉnh số lượng tối thiểu tổ chức tham gia đấu giá (từ 3 xuống 2 tổ chức), đồng thời, quy định vốn chủ sở hữu bằng 30% tổng vốn đầu tư của dự án khai thác mỏ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá. Đến nay, Bộ đã tiếp tục lựa chọn các khu vực khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch và đã phê duyệt, lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản với 2 khu vực mỏ sẽ thực hiện vào cuối năm 2017.

Về phía các địa phương, theo báo cáo chưa đầy đủ, đến hết năm 2016, đã có 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước lập và phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho 355 khu vực khoáng sản; đã có nhiều tỉnh, thành phố tổ chức đấu giá thành công như: Hải Dương, Quảng Bình, Kon Tum, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nội, Gia Lai, Bắc Giang, Quảng Nam, Cao Bằng, Lào Cai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Nghệ An, Yên Bái, Thanh Hóa tại 120 khu vực, trong đó; 45 khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản, 80 khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản với mức giá trúng đầu giá đều vượt trên 10% so với mức giá khởi điểm. Như vậy, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản bước đầu đã có kết quả nhất định, góp phần đưa chủ trương lớn của Đảng, quy định mới của Luật Khoáng sản vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực và minh bạch trong cấp phép hoạt động khoáng sản.

Song song với đó, công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng đã được chỉ đạo khẩn trương và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Hiện, Tổng cục đã thẩm định 604 hồ sơ (trong đó, có 412 hồ sơ cấp phép trước ngày Luật Khoáng sản và Nghị định số 203/2013/NĐ-CP có hiệu lực) thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT với tổng số tiền là 34.213 tỷ đồng (bao gồm cả số tạm thu), trong đó, đã phê duyệt 493/604 hồ sơ với tổng số tiền 30.512 tỷ đồng; UBND 53/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt cho 2.716 hồ sơ với tổng số tiền là 13.005 tỷ đồng. Theo báo cáo, đến hết tháng 4/2017, đã thu vào Kho bạc Nhà nước số tiền là 12.795 tỷ đồng, trung bình mỗi năm, thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 4.000 - 5.000 tỷ đồng, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, đồng thời, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên phạm vi cả nước.

… và những vấn đề còn dang dở

Triển khai thực hiện pháp Luật Khoáng sản trong 5 năm qua, thu được nhiều thành tựu, song, trong quá trình thực thi cũng còn phát sinh nhiều vấn đề mà thực sự những người làm văn bản pháp luật cũng chưa thể lường hết. Những vấn đề tồn tại này đã được chỉ ra trong Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Khoáng sản và đến nay, vẫn là những điều còn “vướng”, gây khó khăn cho quá trình thực thi pháp luật khai thác và kinh doanh khoáng sản, đó là: Chưa quy định cụ thể việc liên danh, liên kết trong hoạt động khoáng sản thác khoáng sản; chưa có quy định đồng bộ với pháp luật về đầu tư để kiểm soát khi có sự thay đổi về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép thăm dò/khai thác khoáng sản. Điều này gây nên tình trạng bán lại dự án, thay đổi chủ đầu tư khó kiểm soát. Đặc biệt, việc chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp quản lý khoáng sản khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố (thanh, kiểm tra, quy hoạch, hoạt động khoáng sản) nhất là đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông đang đưa vấn đề này trở thành “điểm nóng” khi nạn cát tặc ở vùng giáp ranh lâu nay không thể kiểm soát. Việc thiếu chế tài xử lý cũng làm cho không ít tổ chức, cá nhân “nhờn luật”, liên tục vi phạm vì nguồn lợi khổng lồ từ việc khai thác cát sỏi lòng sông. Để quản lý tốt việc tăng nguồn thu cho ngân sách, sát thực tế khai thác, kinh doanh của doanh nghiệp, hiện, chúng ta chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép khai thác trong việc theo dõi, giám sát sản lượng khai thác thực tế; về trữ lượng khoáng sản biến động trong quá trình khai thác.

Một vấn đề cũng rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, tới môi trường sống đã được quy định trong Luật Khoáng sản 2010 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm phục hồi môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản. Tuy vậy, các văn bản dưới luật cũng chưa làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình khai thác (nếu có) và trách nhiệm cụ thể khi thực hiện Đề án đóng cửa mỏ (xác định lại giá trị của khối tài sản công để xác định mục đích đóng cửa mỏ); cơ chế có tính khả thi đối với trường hợp đóng cửa mỏ khi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không thực hiện..

Đây chính là những vấn đề còn “để ngỏ” trong hệ thống văn bản pháp luật quản lý, bảo vệ và khai thác khoáng sản rất cần được khắc phục trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: BBT

Nguồn tin: Cổng TTĐT Bộ TN&MT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây