Yêu cầu giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường

Giám định là hoạt động đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giám định hàng hóa, giám định pháp y, giám định ADN, giám định sức khỏe... Tuy nhiên, trong lĩnh vực môi trường, giám định thiệt hại là một hoạt động mới và chưa được thực hiện nhiều trên thực tế. Có thể hiểu giám định thiệt hại môi trường (GĐTHMT) là việc áp dụng các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật để nghiên cứu, xem xét, đánh giá mức độ chính xác của các thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường nhằm giúp cơ quan quản lý giải quyết các tranh chấp môi trường.
Yêu cầu giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường

Giám định thiệt hại môi trường

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam (2009), giám định là kiểm tra, kết luận về một hiện tượng hoặc một vấn đề mà cơ quan nhà nước cần tìm hiểu và xác định. Khái niệm giám định còn được nêu trong Đại Từ điển Tiếng Việt (1999) là việc kiểm tra bằng phương pháp nghiệp vụ để có kết luận cụ thể.

Giám định có thể được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau như pháp y tâm thần, cháy nổ, chữ ký cá nhân, thiệt hại dân sự, thậm chí giám định ngoài tố tụng… Giám định thường được gắn liền với việc kiểm tra các thông số thực tế để đi đến một kết luận về một vụ việc cụ thể. Trong mỗi lĩnh vực khác nhau thì áp dụng các phương pháp nghiệp vụ khác nhau.

Theo Luật Giám định tư pháp (2012), giám định tư pháp được hiểu là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người giám định.

Từ các khái niệm giám định, giám định tư pháp và khái niệm thiệt hại môi trường do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường (Điều 163, Luật BVMT năm 2014), GĐTHMT do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường (gọi tắt là GĐTHMT) có thể hiểu là việc áp dụng các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn để nghiên cứu, xem xét, đánh giá mức độ chính xác của các thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và những thiệt hại khác từ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường (thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản…) mà những thiệt hại này đã được tổ chức, cá nhân thực hiện để làm căn cứ giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường.

Luật BVMT năm 2014 đã quy định việc GĐTHMT. Tại điểm e, khoản 1 của Điều 150 nêu rõ: Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư trong lĩnh vực GĐTHMT; giám định sức khỏe môi trường.

Tại Điều 165 quy định, việc xác định phạm vi, giới hạn môi trường bị suy giảm chức năng, tính hữu ích bao gồm: Việc xác định giới hạn, diện tích của khu vực, vùng lõi bị suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; Xác định giới hạn, diện tích vùng đệm trực tiếp bị suy giảm; Xác định giới hạn, diện tích các vùng khác bị ảnh hưởng từ vùng lõi và vùng đệm. Việc xác định các thành phần môi trường bị suy giảm gồm: Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, loại hình hệ sinh thái, giống loài bị thiệt hại; Mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, giống loài. Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại. Trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về BVMT có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại.
 

yeu cau giam dinh thiet hai
Các cơ quan chức năng lấy mẫu nước thải vùng hạ lưu sông Trà Khúc - Quảng Ngãi để giám định (tháng 5/2010)

Đối với việc tính chi phí thiệt hại về môi trường được quy định: Chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của các thành phần môi trường; Chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường; Chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại; Thăm dò ý kiến các đối tượng liên quan...

Tại khoản 1 Điều 166 quy định, giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường. Việc lựa chọn tổ chức giám định thiệt hại phải được sự đồng thuận của bên đòi bồi thường và bên phải bồi thường; trường hợp các bên không thống nhất thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại quyết định.

Yêu cầu GĐTHMT – Trách nhiệm hay quyền lợi?

GĐTHMT xuất hiện và tồn tại do nhu cầu giải quyết các vụ việc bồi thường thiệt hại môi trường, nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về BVMT. Trong tình hình hiện nay, với tốc độ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ, mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, dẫn đến các vụ việc tranh chấp môi trường với tính chất phức tạp, tinh vi và mức độ thiệt hại nghiêm trọng. Do vậy, nhu cầu GĐTHMT ngày càng trở nên cấp thiết.

Yêu cầu GĐTHMT không chỉ là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hay của cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác BVMT theo chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT. Theo Khoản 1 Điều 4 của Luật BVMT năm 2014 quy định: “BVMT là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân”.

GĐTHMT đưa ra những kết luận khoa học, chính xác, khách quan để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong các vụ việc tranh chấp môi trường nói chung và giải quyết việc bồi thường thiệt hại môi trường nói riêng. Khi xảy ra vụ việc về bồi thường thiệt hại mà chưa được giải quyết hợp lý, do chưa thống nhất được mức độ thiệt hại để bồi thường thì công tác GĐTHMT sẽ xem xét, đánh giá độ chính xác mức độ thiệt hại môi trường. Điều này có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả và chất lượng hoạt động của các cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại, cơ quan tố tụng.

GĐTHMT cũng như các loại hình giám định khác mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng hoạt động tố tụng theo cơ chế minh bạch, đúng người, đúng tội, phụng sự công lý, qua đó đánh giá trình độ phát triển pháp luật trong lĩnh vực môi trường và mức độ dân chủ của một quốc gia.

Xét trên phương diện quyền công dân trong một Nhà nước pháp quyền, hoạt động GĐTHMT góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc tạo lập và cung cấp những căn cứ khoa học không thể phản bác, bảo đảm tính công bằng và khách quan trong quá trình đưa ra những phán quyết của cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại môi trường.

Trong thời gian qua, nhiều trường hợp giải quyết vụ án kéo dài, ách tắc do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ kết luận của các tổ chức xác định bồi thường thiệt hại. Thực hiện GĐTHMT cũng làm sáng tỏ vụ việc tranh chấp môi trường, tránh tình trạng thiếu khách quan từ các cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường, cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hầu như chưa có vụ việc nào thực hiện GĐTHMT, chỉ có ở Gia Lai đã thực hiện việc giám định thiệt hại rừng (2017). Vụ việc này do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai thụ lý, khi cần trưng cầu GĐTHMT, cơ quan đã gửi hồ sơ trưng cầu GĐTHMT đến Sở NN&PTNT. Việc giám định thực hiện theo Thông tư liên tịch số 65/2008/TTLT-BNN-BTC hướng dẫn Nghị định số 48/2007/NĐ-CP về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính ban hành.

Hiện nay, để giải quyết các vụ việc bồi thường thiệt hại về môi trường, các cơ quan chuyên trách đã tiến hành phân tích, đo đạc và bước đầu phát hiện nguyên nhân gây ô nhiễm và mối quan hệ đối với thiệt hại xảy ra. Song tỷ lệ gây thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại chưa xác định được vì chưa đầy đủ chứng cứ, cơ sở khoa học. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền đã nỗ lực thực hiện để buộc bên gây thiệt hại bồi thường cho người dân tài sản, còn các thiệt hại về môi trường chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính và truy thu phí xử lý do xả thải. Một số vụ việc điển hình cho thấy, GĐTHMT rất cần thiết và cần hoàn thiện về các điều kiện cần và đủ để triển khai hiệu quả trong thực tiễn.

Vì vậy, yêu cầu GĐTHMT không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi. Các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường cần có cái nhìn đúng đắn và nhận thức được trách nhiệm của mình để yêu cầu GĐTHMT được thực hiện phổ biến, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về giải quyết việc bồi thường thiệt hại môi trường nói riêng và BVMT nói chung.

Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Hoàng Bích Hồng - Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường

Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018

Nguồn: Cổng TTĐT Tổng cục Môi trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
kt.jpg hc.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
 
congpd
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập307
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm306
  • Hôm nay68,696
  • Tháng hiện tại1,135,734
  • Tổng lượt truy cập18,713,391
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây