Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn

Ngày 01/10/2021, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Thực hiện Quyết định số 2197/QĐ-TTg ngày 22/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10; Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 củaThủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Về sự cần thiết ban hành Nghị định
Về căn cứ pháp lý, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, yêu cầu “Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, bổ sung các quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan”. Thực hiện Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó cần chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Luật Bảo vệ môi trường quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 92 về bảo vệ tầng ô-dôn và Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường các-bon.
Việc ban hành Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn nhằm sớm đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cơ sở quan trọng để quản lý các hoạt động phát thải khí nhà kính, tiền đề phát triển thị trường các-bon; thực hiện các biện pháp quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà Việt Nam tham gia là thành viên, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Về yêu cầu thực tiễn, trong đó, về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã xây dựng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2015, cập nhật năm 2020 và gửi Ban Thư ký UNFCCC. Theo đó đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU); mức đóng góp này có thể lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris.
Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm khắc phục những bất cập hiện nay trong công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, bao gồm thiếu các quy định cụ thể kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; kiểm kê khí nhà kính; đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Về bảo vệ tầng ô-dôn, việc triển khai thực hiện Nghị định thư Montreal hiện ở nước ta trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực đối với các chất được sử dụng trong sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch hàng xuất khẩu; đã loại trừ hoàn toàn được các chất CFC, Halon, CTC và nhiều chất đang được kiểm soát như HCFC, Methyl bromide. Tuy nhiên, hiện nay, nước ta đang phải đối mặt với xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao - các chất hydrofluorocarbon (HFC), là những chất được sử dụng để thay thế các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, thiết bị dập cháy... Theo đó, yêu cầu kiểm soát các chất bảo vệ tầng ô-dôn ngày càng trở nên cấp thiết nhằm thực hiện mục tiêu không tăng lượng tiêu thụ các chất này kể từ năm 2024 và giảm 80% lượng tiêu thụ vào năm 2045.
Việc ban hành Nghị định nhằm khắc phục những thiếu hụt và bất cập trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ tầng ô-dôn như thiếu các văn bản quy phạm pháp luật có tính hệ thống và các biện pháp quản lý hành chính, kỹ thuật cần thiết; hệ thống thông tin dữ liệu còn phân tán, gây khó khăn cho công tác quản lý và trong việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo trong nước và quốc tế. Nhận thức của xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng còn nhiều hạn chế.
Về mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định
Nội dung Nghị định nhằm quy định chi tiết nội dung của Điều 91, Điều 92, Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường, bảo đảm các quy định của Luật được triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, Nghị định được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm để song hành đi vào cuộc sống.
Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định bảo đảm: a) Các quy định bảo đảm chi tiết, đầy đủ, có tính khả thi để triển khai thi hành các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường; bảo đảm sự phù hợp và thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan. Các quy định cần đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với mục tiêu quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-dôn. b) Quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn phải phù hợp với các cam kết thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; đồng thời phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. c) Các quy định quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn cần bảo đảm sự thống nhất, công bằng, minh bạch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp. Phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý nhà nước; tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân trong các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Về bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định
Dự thảo Nghị định gồm có 5 Chương 35 Điều và các phụ lục.
Chương I. Quy định chung (04 Điều)
Chương II. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước (17 Điều), bao gồm: Mục 1. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (11 Điều); Mục 2. Tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước (06 Điều).
Chương III. Bảo vệ tầng ô-dôn (08 Điều)
Chương IV. Các biện pháp thúc đẩy hoạt động về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn (04 Điều)
Chương V. Điều khoản thi hành (02 Điều)
Nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định như sau:
Chương I. Quy định chung: Quy định đối tượng điều chỉnh, phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Chương II. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước
Nội dung Chương quy định Chương này quy định các nội dung sau:
Mục 1 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Dự thảo Nghị định quy định đối tượng thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải, tăng cường hấp thụ khí nhà kính; hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, cấp lĩnh vực và cấp cơ sở; phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; kế hoạch và kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; yêu cầu đối với các đơn vị thẩm định; trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Về đối tượng thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Dự thảo Nghị định quy định đối tượng phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gồm các lĩnh vực, cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện, hoạt động. Các lĩnh vực phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Dự thảo Nghị định đã quy định tiêu chí để xác định các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trên cơ sở quy định tại khoản 3 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường và kinh nghiệm quốc tế, đã được thống nhất với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong bối cảnh đất nước hiện nay mới bắt đầu quản lý hoạt động phát thải khí nhà kính cấp cơ sở, tiêu chí đưa ra bảo đảm mức phát thải của các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính chiếm khoảng 30% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia và tăng dần trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, tiêu chí xác định các cơ sở thuộc danh mục được xây dựng theo lượng tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên. Mức tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu này tương đương với mức phát thải khí nhà kính hằng năm là 3.000 tấn CO2 tương đương.
Về mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Nội dung Nghị định cụ thể hóa mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đã được gửi Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Lộ trình thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030 được chia theo 02 giai đoạn: 2021-2025 và 2026-2030, phù hợp với chu kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kỳ cập nhật NDC theo quy định của Thỏa thuận Paris. Các Bộ quản lý lĩnh vực xây dựng, ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý cho giai đoạn đến hết năm 2025 và giai đoạn 2026-2030; thực hiện các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia. Trong giai đoạn 2021-2025 chưa bắt buộc giảm phát thải đối với các cơ sở; trong giai đoạn 2026-2030, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch được phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon. Đồng thời khuyến khích các dự án đầu tư mới áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ ít phát thải khí nhà kính hoặc tham gia các cơ chế hợp tác giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gồm: i) các biện pháp chính sách, quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh được thực hiện thông qua kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp cơ sở; ii) chuyển đổi công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất, sử dụng dịch vụ ít phát thải khí nhà kính; iii) thực hiện các chương trình, dự án theo các cơ chế hợp tác giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tối thiểu của quốc gia đến năm 2030 là giảm 9% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU); gồm các lĩnh vực: năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp theo quy định tại khoản 5 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường. Đó là mục tiêu cam kết tối thiểu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được cam kết trong NDC. Theo đó, Bộ Công Thương quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất năng lượng và tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp tối thiểu 268,5 tấn CO2 tương đương; Bộ Giao thông vận tải quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải tối thiểu 37,5 tấn CO2 tương đương; Bộ Xây dựng quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các quá trình công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng tối thiểu 74,3 tấn CO2 tương đương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp tối thiểu 129,8 tấn CO2 tương đương; Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong xử lý chất thải tối thiểu 53,7 tấn CO2 tương đương.
Về đo đạc, báo cáo, thẩm định và kiểm kê khí nhà kính
Hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định và kiểm kê khí nhà kính được quy định rõ nội dung thực hiện và trách nhiệm của các Bộ, ngành, lĩnh vực và các địa phương theo quy định, hướng dẫn của quốc tế đang triển khai thực hiện trên thực tế. Số liệu đo đạc, báo cáo, thẩm định và kiểm kê khí nhà kính được cập nhật vào cơ sở dữ liệu trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ quản lý lĩnh vực để theo dõi, trích xuất báo cáo phục vụ công tác quản lý.
Kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực được tổng hợp thành Báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia, được thẩm định thông qua Hội đồng do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện. Việc thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở do các Bộ quản lý lĩnh vực hướng dẫn, cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện. Trong giai đoạn 2026-2030, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch phát thải được phân bổ, việc thẩm định báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở sẽ xã hội hóa cho các đơn vị có năng lực thẩm định thực hiện. Nghị định quy định yêu cầu đối với đơn vị thực hiện thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục các đơn vị có năng lực thẩm định trên Cổng thông tin điện tử.
Mục 2 về tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước
Dự thảo Nghị định quy định đối tượng tham gia, lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước; xác nhận tín chỉ các-bon được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường các-bon trong nước; trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch thị trường các-bon trong nước; hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; trách nhiệm của các cơ quan trong việc phát triển thị trường các-bon.
Lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước được đề xuất trên cơ sở lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và chia ra 02 giai đoạn: i) Giai đoạn từ nay đến hết năm 2027: tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế; thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức; quy định nguyên tắc các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường cũng như việc tổ chức vận hành thị trường các-bon trong nước; ii) Giai đoạn từ năm 2028: tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon các nước trong khu vực và thị trường các-bon thế giới.
Căn cứ kết quả kiểm kê khí nhà kính các cấp, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính được phân bổ hạn ngạch khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn 2026-2030 làm cơ sở trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Cơ sở phát thải có thể mua một lượng tín chỉ các-bon nhất định để bù đắp cho lượng khí nhà kính phát thải quá hạn ngạch được phân bổ không quá 10% tổng số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho cơ sở (Trung Quốc áp dụng 5%, Hàn Quốc áp dụng 10%). Việc này giúp các cơ sở phát thải khí nhà kính đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh khi chưa thể áp dụng ngay các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp không bị áp hạn ngạch phát thải khí nhà kính thực hiện các chương trình, dự án tạo tín chỉ các-bon.
Chương III. Bảo vệ tầng ô-dôn
Nội dung Chương này quy định đối tượng và quy định quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam; hoạt động đăng ký sử dụng các chất được kiểm soát áp dụng cho các nhóm đối tượng có hoạt động liên quan đến các chất được kiểm soát; yêu cầu, trình tự thủ tục thực hiện phân bổ, điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát; các nội dung cơ bản, thời gian trình ban hành Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát của Việt Nam; quy định hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc tiêu hủy các chất được kiểm soát và các quy chuẩn kỹ thuật; trách nhiệm và sự phối hợp liên ngành trong quản lý các chất được kiểm soát.
Lộ trình quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính (gọi tắt là các chất được kiểm soát) tuân thủ theo quy định của Nghị định thư Montreal. Thực hiện nghĩa vụ theo cam kết, Việt Nam đã loại bỏ hoàn toàn một số chất làm suy giảm tầng ô-dôn (CTC, CFC, Halon…) bị cấm nhập khẩu, xuất khẩu; chất Methyl bromide thuộc nhóm chất hạn chế sử dụng, chỉ nhập khẩu cho mục đích kiểm dịch và khử trùng hàng xuất khẩu. Các chất HCFC đang trong lộ trình loại trừ dần kể từ năm 2010 và dừng hoàn toàn việc nhập khẩu vào năm 2040. Các chất HFC cần được kiểm soát và ngưng tiêu thụ ở mức cơ sở từ năm 2024, sẽ giảm đến 80% lượng tiêu thụ vào năm 2045.
Đối tượng sử dụng các chất được kiểm soát và chế độ thông tin, báo cáo
Đối tượng được quy định gồm các tổ chức phải đăng ký sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu; sản xuất, nhập khẩu, sở hữu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất bằng các chất được kiểm soát; thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát (gọi chung là tổ chức sử dụng các chất được kiểm soát).
Dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm đăng ký, báo cáo của các nhóm đối tượng nhằm phục vụ công tác quản lý các chất được kiểm soát. Việc đăng ký, báo cáo đối với tổ chức sản xuất và nhập khẩu để phục vụ việc quản lý phân bổ hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu; đối với tổ chức sản xuất, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ các chất được kiểm soát để phục vụ việc xác định lượng tiêu thụ theo các lĩnh vực sử dụng; đối với tổ chức sở hữu thiết bị có chứa chất được kiểm soát và tổ chức có hoạt động dịch vụ thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý các chất được kiểm soát để quản lý các hoạt động thu gom và xử lý.
Thủ tục đăng ký một lần và được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước giúp giảm tối đa thời gian nộp, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Chế độ thông tin, báo cáo được thực hiện hằng năm để phục vụ công tác quản lý nhà nước và báo cáo thực hiện cam kết quốc tế theo quy định.
Biện pháp quản lý đối với các chất được kiểm soát
Việc quản lý đối với các chất được kiểm soát được tham khảo kinh nghiệm quản lý của một số nước và căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các Bộ được giao. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, quản lý các chất được kiểm soát và có nghĩa vụ báo cáo quốc tế theo quy định; hằng năm phân bổ hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu các chất HCFC và HFC bảo đảm theo lộ trình thực hiện cam kết quốc tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu chất Methyl bromide cho mục đích kiểm dịch và khử trùng hàng xuất khẩu. Các yêu cầu, trình tự thủ tục áp dụng đối với việc phân bổ, điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch được quy định cụ thể tại dự thảo Nghị định.
Để giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, dự thảo Nghị định không quy định biện pháp quản lý xuất nhập khẩu các chất HCFC và HFC. Việc kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu có thể được thực hiện thông qua hệ thống quản lý, thống kê, theo dõi của cơ quan hải quan. Điều này phù hợp với ý kiến góp ý của một số Bộ, cơ quan góp ý cho nội dung dự thảo Nghị định.
Hoạt động thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất được kiểm soát
Dự thảo Nghị định quy định đối tượng, thời điểm phải thực hiện thu gom, xử lý các chất được kiểm soát, các quy định có liên quan về yêu cầu kỹ thuật, năng lực của tổ chức thực hiện dịch vụ, kỹ thuật viên thực hiện thu gom, xử lý các chất được kiểm soát; lộ trình xây dựng các quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo tính khả thi của các quy định khi Nghị định được ban hành.
Chương IV. Các biện pháp thúc đẩy hoạt động về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn
Nội dung Chương này quy định về xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác song phương, đa phương về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức; khuyến khích các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Chương V. Điều khoản thi hành
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 cùng thời điểm hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường.

 
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
kt.jpg hc.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
 
congpd
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập316
  • Hôm nay86,183
  • Tháng hiện tại1,536,046
  • Tổng lượt truy cập19,113,703
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây