Sửa đổi Quy chuẩn về nước thải chăn nuôi phù hợp với thực tiễn và bảo vệ môi trường

“Các quy chuẩn được đặt ra cần phải đáp ứng yêu cầu hội nhập, song cũng phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hài hòa giữa lợi ích của nhà sản xuất và lợi ích quốc gia, bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng” - Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tại cuộc họp rà soát, hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải chăn nuôi, tại Hà Nội ngày 27/6.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2016, Việt Nam có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó, phổ biến ở nước ta là chăn nuôi lợn (khoảng 4 triệu hộ) và gia cầm (gần 8 triệu hộ). Đến năm 2017, tổng đàn nuôi trong cả nước khoảng 385 triệu con gia cầm; 27,3 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc.

Nước thải chăn nuôi lãng phí và gây ô nhiễm môi trường

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề thực thi chính sách pháp luật về xử lý chất thải chăn nuôi của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho thấy, khối lượng chất thải rắn trong chăn nuôi khoảng 142 triệu tấn/năm; lượng nước thải phát sinh cũng rất lớn. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 36% phân động vật được thải trực tiếp ra ngoài môi trường.

Theo kết quả tổng hợp, thống kê gần đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chăn nuôi thải ra khoảng 64 triệu tấn phân và 63 triệu tấn nước tiểu hàng năm. Trong đó, chỉ có khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn...), còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi bị lãng phí và phần lớn thải ra môi trường gây ô nhiễm. Một lượng lớn chất thải chăn nuôi không được tận dụng để sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Chất thải chăn nuôi thường tồn tại ở 3 dạng ô nhiễm chính, đó là (i) Chất thải dạng rắn; (ii) Chất thải dạng lỏng (nước thải); (iii) Chất thải dạng khí (mùi). Trong đó, nước thải chăn nuôi được xác định là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay.

Một số bất cập trong Quy chuẩn về bảo vệ môi trường đối với nước thải chăn nuôi

Việc quản lý môi trường và quản lý chất thải ngành chăn nuôi được thực hiện theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các bản quy phạm pháp luật dưới Luật liên quan. Riêng đối với lĩnh vực xử lý nước thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật nước thải chăn nuôi số QCVN 62-MT:2016/BTNMT. Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải, chỉ áp dụng riêng cho nước thải chăn nuôi. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả thải chăn nuôi ra nguồn tiếp nhận nước thải tuân thủ quy định tại Quy chuẩn này.

Việc áp dụng Quy chuẩn trong thời gian qua đã góp phần tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm nước thải ngành chăn nuôi, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số bất cập. Việc xử lý nước thải chăn nuôi nhằm đạt Quy chuẩn QCVN 62-MT:2016/BTNMT đòi hỏi chi phí xử lý môi trường rất lớn cho các chủ trang trại, doanh nghiệp nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và khó khăn trong việc tận dụng nước thải chăn nuôi đã qua xử lý làm phân bón hữu cơ, giúp tăng thu nhập cho người dân thông qua giảm sử dụng phân bón vô cơ.

Sửa đổi Quy chuẩn đáp ứng yêu cầu thực tiễn chăn nuôi

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn chăn nuôi ở nước ta cũng như phục vụ phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và hội nhập quốc tế thì việc điều chỉnh các thông số trong Quy chuẩn QCVN 62-MT:2016/BTNMT là rất cần thiết. Việc sửa đổi Quy chuẩn vừa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành vừa góp phần tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm nước thải ngành chăn nuôi.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học tiến hành khảo sát thực tế, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu các quy chuẩn và kinh nghiệm quốc tế và các phương pháp thử ... để nghiên cứu, tổng hợp xây dựng Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường đối với nước thải chăn nuôi, trong đó có những thay đổi nhằm “tháo gỡ” cho nhà sản xuất, đặc biệt là các hộ chăn nuôi cá thể, khi bỏ quy định đối với cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải lớn hơn hoặc bằng 5m3/ngày; bổ sung thêm các quy định kỹ thuật đối với nguồn phát sinh nước thải chăn nuôi không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, trong đó quy định cụ thể phải có hệ thống thu gom và hệ thống xử lý chất thải đủ công suất như hệ thống khí sinh học (biogas) hoặc đệm lót sinh học phù hợp Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Trong dự thảo Quy chuẩn mới cũng sẽ điều chỉnh giá trị BOD5 và giá trị COD để phù hợp với thực tiễn của ngành chăn nuôi ở Việt Nam, tương đương với tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo với hiện trạng công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi hiện có; nếu các cơ sở chăn nuôi vận hành đúng quy trình, quy mô, công suất thì nước thải đầu ra hoàn toàn có thể đạt yêu cầu theo quy định trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

Các phương pháp lấy mẫu và xác định giá trị các thông số trong nước thải chăn nuôi cũng được cập nhật, bổ sung nhiều phương pháp phân tích và số hiệu tiêu chuẩn mới đảm bảo độ tin cậy và chính xác hơn.

Áp dụng Quy chuẩn cần sự đồng lòng và chung tay

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam đánh giá cao dự thảo Quy chuẩn lần này đã tiệm cận với thực tế của đất nước; đối với nhà sản xuất, công nghệ xử lý nước thải và xu hướng chung của thế giới và trong nước, đảm bảo cho sự phát triển của nhà sản xuất và đảm bảo sự an toàn về môi trường của người tiêu dùng và cộng đồng. Quy chuẩn đã đề cập đến các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ cũng phải có trách nhiệm trong xử lý nước thải trong chăn nuôi. Ông tin rằng Quy chuẩn mới sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất và các cơ sở chăn nuôi.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: “Việt Nam hiện đã và đang đẩy mạnh việc hội nhập sâu rộng, tham gia vào nhiều tổ chức thương mại quốc tế và nhiều hiệp định đa quốc gia nên các quy chuẩn được đặt ra cần phải đáp ứng yêu cầu hội nhập, tuy nhiên cũng phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hài hòa giữa lợi ích của nhà sản xuất và lợi ích quốc gia, bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng”.

Quy chuẩn mới sẽ quy định giá rị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận, do vậy, Thứ trưởng đề nghị, tùy vào điều kiện thực tế của địa phương để có thể ban hành các quy định các thông số cụ thể, nhằm kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường, nhưng không kìm nén sản xuất.

Thứ trưởng cũng đề nghị các nhà sản xuất, các cơ sở chăn nuôi và người dân đồng lòng và cùng chung tay với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc triển khai Quy chuẩn khi được ban hành và tiếp tục đóng góp ý kiến để Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện, góp phần đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống./.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
kt.jpg hc.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập288
  • Hôm nay34,026
  • Tháng hiện tại797,477
  • Tổng lượt truy cập17,513,342
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây