Báo cáo 1,5 độ C: Giải đáp 5 câu hỏi lớn về biến đổi khí hậu toàn cầu

Báo cáo của Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) vừa được công bố ngày 8/10/2018 đã vạch ra những điểm khác biệt chính giữa hai mục tiêu đối nghịch của Thỏa thuận Paris (PA - thỏa thuận quốc tế tại Hội nghị lần thứ 21 của Công ước quốc tế về biến đổi khí hậu).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hai mục tiêu đối nghịch của PA là giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu do con người gây ra dưới mức 2 độ C và nỗ lực hơn nữa để giảm mức đó xuống 1,5 độ C.

Sau 2,5 năm soạn thảo, các chuyên gia đã đưa ra báo cáo có nội dung cơ bản là đánh giá liệu mục tiêu đầy tham vọng của PA có khả thi hay không, tương lai thế giới sẽ ra sao nếu đạt hoặc không đạt mục tiêu đó. Dưới đây là 5 câu hỏi quan trọng mà báo cáo đã giải đáp.

* Chúng ta có thể giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 1,5 độ C hay không?

Không có câu trả lời dứt khoát “có” hay “không” cho câu hỏi này.

Chỉ ước tính thôi thì hoàn toàn có thể đạt được giới hạn 1,5 độ C, nhưng trên thực tế để làm được điều đó là một thách thức cực kì lớn.

Muốn đạt mục tiêu này, chúng ta phải giảm được phát thải carbon dioxide xuống mức 45% vào năm 2030 và triệt tiêu hoàn toàn phát thải này về 0 vào năm 2050.

Chúng ta có thành công hay không thì cơ bản tùy thuộc ở mức độ các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ có hành động tích cực giảm phát thải. Mặc dù vậy, bất chấp tình thế cấp bách hiện này, cam kết Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC) của các nước vẫn không đủ mạnh để giữ cho nhiệt độ toàn cầu khỏi tăng quá 3 độ C, chứ đừng nói đến mức 1,5 độ C.

Sự ấm lên toàn cầu không chỉ là một hiểm họa cho tương lai. Tác hại của vấn đề này đã và đang xảy ra trên toàn thế giới, đó là giảm năng suất cây trồng, suy thoái đa dạng sinh học, các rặng san hô chết hàng loạt, băng Bắc Cực tan chảy, các đợt nắng nóng tăng cường và mưa lớn gây lũ lụt ngày càng nghiêm trọng. Mực nước biển đã dâng 40,5 mm trong mười năm trở lại đây và được dự báo còn tiếp tục dâng nhanh hơn trong những thập kỉ tới, ngay cả khi tất cả các nguồn phát thải khí nhà kính đều lập tức giảm về 0.

Việc sống còn hiện nay là phải hành động tức thì và liên tục ít nhất trong vòng 10 năm tới. Trong năm 2017, nhiệt độ toàn cầu đã tăng vượt ngưỡng 1 độ C. Nếu hành tinh của chúng ta tiếp tục ấm lên với tốc độ như hiện nay là 0,2 độ C mỗi thập kỉ thì chúng ta sẽ đạt mức 1,5 độ C vào khoảng năm 2040. Với tốc độ phát thải hiện nay thì trong vòng 10 đến 14 năm tới thì cầm chắc trong tay đến 70% là chúng ta sẽ tiêu hết toàn bộ ngân sách carbon để giữ cho nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C; hay nói cách khác là nếu cứ giữ mức phát thải như hiện nay thì chỉ 10 – 14 năm nữa là chúng ta tới ngưỡng 1,5 độ C chứ không cần đến năm 2040 nữa.

* Giữ mức 1,5 độ C bằng cách nào?

Báo cáo của IPCC nói rằng phải có những thay đổi thực sự lớn lao thì mới giữ được mức đó. Nếu con người cứ tiếp tục hoạt động như hiện nay thì không thể giữ được mức 1,5 độ C.

Phát thải carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và các khí nhà kính khác trên toàn cầu phải giảm xuống 0 vào khoảng năm 2050. Hầu hết các nhà kinh tế học cho rằng đánh thuế phát thải là cách hiệu quả nhất để giảm được như vậy.

Đến năm 2050, 70-85% điện năng toàn cầu phải được sản xuất bằng năng lượng tái tạo. Đầu tư vào công nghệ carbon thấp và công nghệ hiệu quả năng lượng phải tăng gấp đôi, đồng thời đầu tư vào khai thác nhiên liệu hóa thạch phải giảm còn 1/4.

Công nghệ loại bỏ CO2 cũng rất cần thiết để loại trừ khí nhà kính trong khí quyển. Nhưng báo cáo của IPCC khuyến cáo rằng phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ này sẽ dẫn đến rủi ro lớn bởi vì các công nghệ này chưa từng được áp dụng trên quy mô lớn như vậy. Loại bỏ CO2 là một bước bổ sung thêm vào các biện pháp thiết yếu chứ không phải là cái cớ để vin vào đó mà tiếp tục phát thải khí nhà kính.

Sản xuất, tiêu thụ và lựa chọn lối sống cũng giữ một vai trò quan trọng. Giảm nhu cầu năng lượng và giảm lãng phí thực phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất thức ăn, lựa chọn thực phẩm và hàng hóa có mức phát thải thấp, và giảm nhu cầu sử dụng đất cũng sẽ đóng góp rất nhiều.

Nếu chúng ta hành động được như vậy ngay lập tức thì lợi ích sẽ cực kì lớn. Chúng ta càng bắt đầu sớm thì chúng ta càng có thêm thời gian để đạt mức phát thải bằng 0. Hành động sớm có nghĩa là thay đổi dần dần chứ k cần đột ngột và chung qui lại thì giảm được rất nhiều chi phí. Càng trì hoãn, càng chậm trễ thì chi phí càng cao và khả năng thích nghi càng khó.

Nhanh chóng giảm phát thải cũng sẽ đảm bảo nhanh chóng kiểm soát được mức trần cho phép nhiệt độ trái đất tăng lên, và giúp giảm được số lượng cũng như mức độ khắc nghiệt của các tác động tiêu cực.

Cho dù có kiểm soát được mức trần tăng nhiệt độ là 1,5 độ C, thì với tình trạng hiện nay, chắc chắn chúng ta vẫn sẽ phải trải qua một số tác động tiêu cực.

* Cái giá phải trả nếu không giữ được mức 1,5 độ C?

Mặc dù PA có mục tiêu giữ cho mức ấm lên toàn cầu càng gần con số 1.5 độ C càng tốt, điều đó không có nghĩa 1.5 độ C là mức “an toàn”. Các cộng đồng và các hệ sinh thái trên khắp thế giới đã phải gánh chịu thiệt hại cực kì lớn kể từ khi trái đất ấm lên 1 độ C như hiện nay, và mức 1.5 độ C sẽ cực kì khủng khiếp.

Đói nghèo và khó khăn sẽ tăng cùng với mức tăng của nhiệt độ toàn cầu. Các quốc đảo nhỏ, các vùng đồng bằng và đất thấp ven biển chịu thiệt hại nặng nề nhất, với nguy cơ lũ lụt tăng cao và các mối đe dọa về thiếu nước sạch, cơ sở hạ tầng và sinh kế.

Ấm lên 1.5 độ C cũng gây ra nguy cơ thiệt hại tăng trưởng kinh tế, trong đó các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới phía nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, nắng nóng cực độ và hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn và trên diện tích rộng lớn hơn với chi phí kéo theo để phục hồi sức khỏe, cơ sở hạ tầng và đối phó với các thiên tai đó.

Các đại dương cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nước biển ấm lên và sự a-xít hóa không chỉ gây thiệt hại cho ngành đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản mà còn hủy hoại nhiều loài sinh vật và hệ sinh thái biển.

Theo dự báo, đến 90% các rặng san hô vùng biển ấm sẽ biến mất khi nhiệt độ toàn cầu đạt mức tăng 1,5 độ C. Đó sẽ là một tình trạng thảm khốc, nhưng vẫn còn chưa thấm vào đâu khi nhiệt độ tăng đến 2 độ C, tức là khi các rặng san hô bị phá hủy gần như hoàn toàn (hơn 99%).

* So sánh tình trạng ở mức 1.5 độ C và 2 độ C?

Tác động đối với cả con người và thiên nhiên sẽ rất khác nhau ở mức 1.5 độ C so với mức 2 độ C. Ví dụ: ở mức 1.5 độ C, số dân trên toàn cầu phải sống trong tình trạng khan hiếm nước là bao nhiêu người thì con số đó sẽ gấp đôi ở mức nhiệt độ tăng 2 độ C.

Nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, mực nước biển trong thế kỉ này sẽ dâng cao thêm 10 cm so với 1.5 độ C, có nghĩa là nếu giữ được ở mức 1.5 độ C thì sẽ cứu được 10,4 triệu người khỏi tai họa do nước biển dâng.

1.5 độ C so với 2 độ C:

Giảm được 427 triệu người phải chịu thiếu ăn thiếu nước, và bệnh tật. Ít thời tiết cực đoan hơn, ít nắng nóng và bệnh tật chết người hơn, ít sa mạc hóa hơn và các loài sinh vật hoang dã cũng ít bị tuyệt chủng hơn. Dễ dàng hơn nhiều để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, trong đó có các mục tiêu về giảm đói nghèo, nước sạch và vệ sinh, sức khỏe, phát triển các thành phố và các hệ sinh thái. Mục tiêu 1.5 độ C tương ứng ra sao với các Mục tiêu Phát triển bền vững?

SDG hướng tới một thế giới mà ở đó con người khỏe mạnh, tài chính vững vàng, ăn uống đầy đủ, có nước và không khí sạch, sống trong môi trường an toàn và thoải mái. Phần lớn các mục tiêu này đều phù hợp với mục tiêu của việc duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt 1.5 độ C. Đó chính là lí do IPCC thể hiện trong báo cáo là các sáng kiến SDG và hành động bảo vệ khí hậu có mối liên hệ chặt chẽ và tương hỗ lẫn nhau.

Mặc dù vậy, có một số chiến lược bảo vệ khí hậu có thể gây khó khăn cho việc đạt được một số SDG. Các nước phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch sẽ chịu thiệt hại kinh tế khi phải chuyển đổi sang sử dụng năng lượng carbon thấp.

Quản lý cẩn trọng sự chuyển đổi này bằng cách vừa tập trung giảm đói nghèo vừa thúc đẩy quyền ra quyết định sẽ giúp tránh được những hậu quả nặng nề của sự đánh đổi. Biện pháp phù hợp với nơi này chưa chắc đã phù hợp với nơi khác, vì vậy các chiến lược phải linh hoạt theo từng vùng.

* Tương lai thế giới sẽ ra sao?

Giới hạn mức độ ấm lên toàn cẩu không quá 1,5 độ C cũng đòi hỏi sự chuyển biến về mặt xã hội. Các tác động của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục định hình thế giới mà chúng ta sẽ sống ở đó, nhưng có một điều chắc chắn là chúng ta sẽ sống tốt hơn nhiều nếu nhiệt độ được giữ ở mức tăng 1,5 độ C chứ không phải 2 độ C.

Lựa chọn của chúng ta ngày hôm nay đang hình thành nên tương lai cho thế hệ con cháu chúng ta. Như bản báo cáo của Liên hợp quốc đã nêu, nếu chúng ta nghiêm túc suy nghĩ và hành động về mục tiêu 1,5 độ C thì chúng ta phải hành động ngay bây giờ.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
kt.jpg hc.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
 
congpd
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập319
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm289
  • Hôm nay58,257
  • Tháng hiện tại1,507,806
  • Tổng lượt truy cập19,085,463
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây