Cảnh báo sớm – Chìa khóa giảm thiểu thiệt hại thiên tai

Cung cấp dữ liệu đầu vào quan trọng đối với công tác phòng, chống thiên tai, thông tin dự báo, cảnh báo sớm của ngành khí tượng thủy văn (KTTV) được coi là “chìa khóa” nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Dự báo sớm hơn, dài hơn
Theo báo cáo của Tổng cục KTTV, công tác dự báo, cảnh báo của ngành KTTV trong những năm qua đã có những chuyển biến rõ rệt cả về lượng và chất cũng như đa dạng hóa hình thức thông tin hướng đến từng đối tượng sử dụng. Thành tựu này đã phục vụ hiệu quả công tác ứng phó, phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Cụ thể, trong dự báo khí tượng, ngành KTTV đã mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày; nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn. Các sản phẩm dự báo mùa cũng được mở rộng hạn dự báo, hàng năm đã có bản tin nhận định thiên tai năm (ban hành 2 lần/ năm).
Dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%. Đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông, cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ. Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%. Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng: trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng chính xác từ 80-90%.
Đối với bão, áp thấp nhiệt đới giai đoạn đầu năm 2000 vẫn chỉ dự báo 24 giờ, nhưng đến hiện tại đã nâng dự báo bão, áp thấp nhiệt đới lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày. Có thể kể đến bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã có độ chính xác dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, giảm sai số từ 250-300 km trước những năm 2010 ở hạn dự báo 48h xuống khoảng 120-150 km trong những năm gần đây.
17 3 2022 3
 Những năm qua, ngành KTTV đã đầu tư nâng cấp mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại, đồng bộ. Ảnh: Thanh Tùng
Theo Tổng cục KTTV, chất lượng dự báo thủy văn hàng ngày đạt 80-85%; hạn vừa đạt từ 75-80%; hạn dài đạt 65-70%. Công tác dự báo, cảnh báo lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, hiện tượng hạn hán và tình trạng xâm nhập mặn đáp ứng tốt những yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Đã xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện phục vụ công tác dự báo, cảnh báo phòng chống thiên tai cho các tỉnh và người dân khu vực khi có mưa lớn.
Để đạt được những kết quả trong công tác dự báo như trên, những năm qua, ngành KTTV đã đầu tư nâng cấp mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại, đồng bộ. Chuyển dần từ đo thủ công sang tự động, đan dày các trạm quan trắc ở vùng núi, vùng sâu. Đến năm 2020, mạng lưới quan trắc quốc gia đã có 284 trạm khí tượng bề mặt; 29 trạm khí tượng nông nghiệp; 14 trạm bức xạ; gần 2000 trạm đo mưa tự động; 359 trạm thủy văn; 27 trạm khí tượng hải văn; có 180 trạm/điểm đo môi trường; mạng lưới trạm khí tượng cao không gồm có: 6 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 3 trạm đo tổng lượng Ôzôn - Bức xạ cực tím và 10 trạm ra đa thời tiết trải khắp mọi miền đất nước, 18 trạm định vị sét.
Mạng lưới trạm KTTV hiện nay đã phát huy được vai trò trong việc đảm bảo cung cấp số liệu phục vụ kịp thời cho công tác giám sát các hiện tượng KTTV phục vụ tốt cho công tác phòng, chống thiên tai.
Giảm thiểu thiệt hại
Nhờ những chuyển biến tích cực về chất lượng, nội dung dự báo, cảnh báo KTTV đã giúp các ngành, địa phương chủ động trong công tác chỉ đạo, ứng phó góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai.
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái khẳng định, chất lượng dự báo tốt giúp giảm thiệt hại của thiên tai. Điển hình như năm 2018, cùng với sự chủ động phòng chống của các cấp chính quyền, nhân dân và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành KTTV đã góp phần làm giảm được khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017 tương ứng với 40.000 tỷ đồng.
Năm 2019, nhờ dự báo sớm nên mặc dù hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt nghiêm trong nhất trong lịch sử (thời gian xâm nhập mặn kéo dài gấp từ 2 - 2,5 lần, phạm vi ảnh hưởng rộng hơn so với năm 2016). Tuy nhiên, mức độ thiệt hại đến sản xuất, dân sinh được giảm thiểu đặc biệt là thiệt hại về sản xuất nông nghiệp chỉ bằng khoảng 9% so với năm 2016.
Trong mùa mưa bão năm 2020, ngành KTTV đã thực hiện cảnh báo bão sớm trước 5 ngày, dự báo, cảnh báo ATNĐ trước 3 ngày; thông tin dự báo sớm đã góp phần chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai trên biển. Riêng đối với cơn bão số 9, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo rất sớm công tác dự báo, cảnh báo từ trước khi bão vào Biển Đông nên mặc dù đây là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây nhưng nhờ công tác dự báo sớm, kịp thời, các cơ quan Trung ương và địa phương đã có hành động quyết liệt, hiệu quả từ sớm nên đã không có thiệt hại về người.
Kết quả nêu trên có được là vì trong những năm qua, ngành KTTV đã tích cực tiếp cận và mở rộng ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quan trắc, thông tin dữ liệu và cung cấp bản tin dự báo hằng ngày, hằng giờ. Trong đó, dự báo tác động của các loại hình thiên tai đang dần thay thế cho các dự báo hiện tượng; các sản phẩm thông tin KTTV từng bước được xây dựng theo định hướng cụ thể hơn, chi tiết hơn, dễ hiểu hơn, đa dạng hơn, phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai, bảo vệ quốc phòng, an ninh của đất nước.
Nhằm tiếp tục hiện đại hóa công tác dự báo, giúp công tác cảnh báo thiên tai ngày càng sớm hơn, chính xác hơn, ngành KTTV đang tiếp tục có những bước đi mạnh mẽ trên con đường ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động. Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho biết, trong thời gian tới, ngành KTTV sẽ thực hiện đầu tư thiết bị, công nghệ quan trắc, thu thập và xử lý số liệu tự động đối với mạng lưới trạm khí tượng bề mặt, khí tượng trên cao, thủy văn, hải văn; bổ sung mạng lưới trạm đo mưa tự động, đặc biệt tại những nơi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt như miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên thông qua đầu tư từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa và thuê dịch vụ; ứng dụng phương tiện bay không người lái, số liệu vệ tinh quan trắc trái đất, công nghệ siêu âm, công nghệ ra đa, công nghệ laser, camera kỹ thuật số trong lĩnh vực khí tượng thủy văn.
Đồng thời, tích hợp, lồng ghép giữa mạng lưới trạm KTTV quốc gia với các trạm quan trắc trong ngành tài nguyên và môi trường và đồng bộ, liên thông với các trạm KTTV của bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa, viễn thám và công nghệ hiện đại trong công tác KTTV; từng bước làm chủ công nghệ thám sát bằng phương tiện bay, vệ tinh khí tượng, mô hình tính toán toàn cầu về khí tượng, mô hình thủy văn hiện đại; triển khai các đề án, dự án và các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về KTTV. Đặc biệt, ngành KTTV cũng chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số.
 
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
kt.jpg hc.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập86
  • Hôm nay10,856
  • Tháng hiện tại754,539
  • Tổng lượt truy cập17,470,404
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây